Chuyên mục
Product

Nếu sản phẩm của bạn Tuyệt vời, nó không cần phải Tốt.

Tư duy ‘càng nhiều tính năng, càng tốt’ là căn nguyên dẫn đến đánh giá sai khi tạo ra sản phẩm, cũng là lý do rất nhiều người thông minh, sáng dạ tạo ra những sản phẩm tồi (ví như nhiều dự án mã nguồn mở).

‘Less is more’, ít hoá nhiều. Đây là châm ngôn của những người theo chủ nghĩa tối giản và nó cũng tương đồng với tư duy làm sản phẩm hiện đại.

Nếu gom hết những điều tốt đẹp và được yêu thích nhất để tích hợp vào sản phẩm của bạn, vậy thì sản phẩm của bạn đại diện cho giá trị nào?

Cách tiếp cận ‘less is more’ khi xây dựng sản phẩm:

Chọn ba thuộc tính hoặc tính năng chính của sản phẩm; đảm bảo những giá trị này luôn đúng, và không cần quan tâm phần còn lại. Ba thuộc tính này xác định cốt lõi và giá trị của sản phẩm — còn lại đều là nhiễu sự.

Phân tích sự thành công với 3 tính năng, giá trị cốt lõi của một vài sản phẩm khi bắt đầu:

Chiếc iPod nguyên bản có các đặc tính: 1) đủ nhỏ để bỏ vào túi quần, 2) có đủ dung lượng để lưu trữ hàng giờ âm nhạc, và 3) dễ dàng đồng bộ với máy Mac.

Khi bắt đầu, Gmail cũng vậy: 1) nhanh, 2) lưu trữ tất cả email của bạn (trước đó 4MB là giới hạn lưu trữ của các dịch vụ mail), và 3) giao diện mới mẻ dựa trên các cuộc trò chuyện và tìm kiếm.

Tất nhiên các chức năng khác có thể được thêm hoặc cải thiện sau này, nhưng nếu phần cơ bản của sản phẩm không thu hút người dùng, việc thêm các tính năng khác cũng phí công.

Bằng cách chỉ tập trung vào số ít tính năng cốt lõi trong phiên bản đầu tiên, bạn buộc phải tìm ra tinh tuý và giá trị thật sự của sản phẩm. Nếu cần “mọi thứ” để sản phẩm tốt, vậy thì bạn sáng tạo chỗ nào, dù đó có thể là những nâng cấp hay ho cho một sản phẩm sẵn có.

Nói cách khác, nếu sản phẩm của bạn tuyệt vời, thì nó không cần phải tốt.

Để tạo nên một sản phẩm tốt trên thị trường, bạn có thể theo sát thị hiếu của người dùng và tập hợp mọi thứ vào trong đó. Còn để có một sản phẩm tuyệt vời, hãy tập trung vào các giá trị cốt lõi và tinh tuý của sản phẩm. Sự sáng tạo của người làm sản phẩm, không phải là tích hợp mọi điều người dùng yêu thích; mà là sự cân nhắc, thận trọng để chọn những điều cốt lõi tạo nên giá trị của sản phẩm.

Bởi vì sự sáng tạo chỉ đạt được mức độ cao nhất, khi người thiết kế và quản trị sản phẩm biết trân trọng những giới hạn; và những hạn chế này sẽ giúp tính sáng tạo bộc phát.

Sản phẩm tốt có mọi thứ mà người dùng muốn; một sản phẩm tuyệt vời chỉ có thứ mà họ cần.

Vậy nên, khi bắt tay làm ra một sản phẩm, hãy bắt đầu bằng những câu hỏi:

Nếu tạo ra sản phẩm mới, ba tính năng chủ chốt nào đủ tuyệt vời để bạn có thể cắt bỏ hay làm qua loa phần còn lại? Bạn có tập trung ít nhất 80% nỗ lực để đảm bảo ba điều đó luôn đúng?

LƯU Ý: Lý thuyết này chỉ áp dụng cho những sản phẩm dành cho người dùng cuối (người mua cũng trực tiếp sử dụng). Đối với những thị trường cần những quy trình mua bán với những danh sách dài tính năng, bạn chỉ cần phát triển càng nhiều tính năng càng tốt, và không nên phí thời gian vào sự đơn giản hay tiện dùng.

Tham khảo: http://paulbuchheit.blogspot.com/2010/02/if-your-product-is-great-it-doesnt-need.html

Copy & Chia sẻ: mtri.me/gp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *